Bà Tôn Nữ Thị Ninh truyền cảm hứng đến giới trẻ TP.HCM: Kiên định không bỏ cuộc, lạc quan là chìa khóa thành công
Ngày 01/03, Trường Đại học Hoa Sen tổ chức buổi trò chuyện chuyên đề “Hạn chế, lợi thế của Việt Nam và người Việt trong việc xây dựng và hình thành nhân lực đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới”, với sự tham dự đông đảo sinh viên các trường đại học tại TP.HCM, các giảng viên để cùng lắng nghe và thảo luận cùng Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh – Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM.
Thiếu tự tin – Nguyên nhân chính hay chỉ là một phần của bài toán thành công
Tại buổi trò chuyện chuyên đề, Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh – Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM đã nêu lên những góc nhìn tổng quan để cùng các bạn sinh viên, những người trẻ vừa mới đi làm và các chuyên gia thảo luận tìm ra mặt hạn chế, lợi thế của nguồn nhân lực Việt Nam trong giai đoạn mới, nhất là thế hệ trẻ – chủ nhân tương lai của đất nước.

Trong đó, vấn đề thiếu tự tin và chủ động trong công việc được giới trẻ quan tâm và bàn luận sôi nổi. Khi được Bà Tôn Nữ Thị Ninh đặt ra vấn đề về hạn chế, Bạn Đặng Kỳ Anh- Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh HSU cho biết, sự thiếu tự tin, chủ động giao tiếp với cấp trên và ngại đề xuất sáng kiến là rào cản của người trẻ ngày nay. Còn với Phạm Huỳnh Hương – Thủ khoa ngành Quản trị nhân lực HSU và hiện là Quản lý vận hành cho một dự án start-up chia sẻ khi mới gia nhập doanh nghiệp thường ngại đưa ra ý kiến của bản thân, phải luôn thận trọng để không bị đánh giá.

Theo Bà Ninh, giáo dục phương Tây rèn luyện sự tự tin cho người trẻ, nhưng đôi khi lại khiến họ chưa thực sự dành đủ thời gian để lắng nghe và thấu hiểu vấn đề. Ngược lại, các bạn trẻ trong văn hóa phương Đông tuy có phản xạ hơi chậm nhưng điều này lại giúp bản thân có thời gian suy nghĩ và đánh giá đúng vấn đề. Bà khuyến khích người trẻ khi tiếp cận vấn đề phải tập trung nhìn nhận từ cả hai góc độ, tận dụng cơ hội tiếp cận với các nền giáo dục phương Tây, đồng thời hòa nhập với văn hóa bản địa để tạo ra sự kết hợp hiệu quả.

Bà cũng cho biết nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của nguồn nhân lực Việt là do chưa khuyến khích đúng mức sự chủ động của giới trẻ. Văn hóa chung xã hội Việt Nam có tiến bộ nhưng cần khuyến khích hơn nữa sự tự tin và chủ động cho các bạn trẻ bằng nhiều hình thức khác nhau: Giáo dục trong gia đình, các hoạt động ngoại khóa… Riêng giáo dục trong Nhà trường đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên cần tăng cường các phương pháp cho các bạn chủ động trang bị hành trang.
Kiên định và lạc quan: Lời khuyên cho giới trẻ từ nhà ngoại giao kỳ cựu
“Khi tham gia vào thị trường lao động, sinh viên phải luôn luôn có tư thế sẵn sàng đối đầu với mọi tình huống bởi bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Never give up – Kiên định không bao giờ từ bỏ cùng sự lạc quan yêu đời của người Việt là chìa khóa thành công.” – Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ.

Bà cho biết, người lao động hiện nay được sự hỗ trợ rất nhiều từ trí tuệ nhân tạo, điển hình là ChatGPT. Nhưng dù công nghệ có phát triển đến đâu thì cũng cần phải có con người, “chìa khóa” vẫn là bộ óc, trái tim, bàn tay con người. Nguồn nhân lực chính là nguồn lực quan trọng nhất trong tổ chức. Vì vậy cần coi trọng nhịp cầu giáo dục, coi trọng mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nơi đào tạo lao động, nhân lực. Đồng thời, các bạn sinh viên khi gia nhập thị trường phải có tâm, trí tuệ và khát vọng. Đây cũng chính là bí quyết thành công của Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh.

Vai trò của trường đại học trong việc phát triển nguồn nhân lực giai đoạn mới
Chia sẻ tại chương trình, TS. Phan Thị Việt Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen nhận định, nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay có tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. Mặc dù số lượng lao động giá rẻ khá dồi dào nhưng lại thiếu hụt lực lượng lao động có chuyên môn cao. Thêm vào đó, trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam còn hạn chế gây khó khăn trong quá trình hội nhập toàn cầu.

Trong quá trình thiết kế chương trình đào tạo, Trường Đại học Hoa Sen khuyến khích sinh viên không chỉ học kiến thức chuyên môn mà còn đẩy mạnh phát triển kỹ năng mềm như sự tự tin, chủ động và khả năng giao tiếp. Nhất là khuyến khích tư duy phản biện và sáng tạo. “Chúng tôi chú trọng thực hiện chương trình đào tạo sát với thực tiễn doanh nghiệp với 2 kỳ thực tập là nhận thức và tốt nghiệp. Một số môn học dưới hình thức đề án/dự án do sinh viên vận hành nhằm giúp các bạn được nêu lên quan điểm và biết cách giải quyết tình huống.”, TS. Nguyễn Thùy Giang – GĐCT Quản trị nhân lực HSU chia sẻ.

Bên cạnh đó, Nhà trường tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để giúp sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu công việc ngay lập tức, giảm thiểu thời gian đào tạo lại. Tăng cường hợp tác quốc tế thông qua việc phát triển chương trình đào tạo song ngữ và đưa các chương trình liên kết quốc tế về Việt Nam. Điều này giúp sinh viên Hoa Sen có cơ hội tiếp cận với kiến thức và kỹ năng toàn cầu, đồng thời nâng cao trình độ ngoại ngữ và hiểu biết về thế giới.

Những chia sẻ của nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh không chỉ giúp giới trẻ có góc nhìn sâu sắc hơn về mặt hạn chế và lợi thế của nhân lực Việt mà còn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ trong việc phát triển bản thân, mạnh dạn vươn ra thế giới trong kỷ nguyên mới.
Thực hiện: Hồng Nhi
Phòng Marketing – Truyền thông