Bá quyền Biển Đông: Chiến lược hay liều lĩnh?
Các hành động khiêu khích liên tục của Trung Quốc gần đây khiến tình hình biển Đông vừa dịu xuống lại trở nên nóng hơn bao giờ hết. Và lần này, Trung Quốc vẫn dùng những chiêu thức cũ để xâm phạm chủ quyền Việt Nam một cách ngang ngược.
Từ việc Trung Quốc cắt cáp dầu khí và bắt giữ ngư dân Việt Nam trong năm 2011, huy động một lực lượng lớn tàu cá và tàu ngư chính “chiếm” bãi cạn Scarborough suốt tháng 4/2012, phản đối Luật Biển của Việt Nam, thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa và mở thầu chín lô dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong những ngày cuối tháng 6/2012, thoạt nhìn thì tưởng những hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc rất đa dạng, nhưng trên thực tế các hành động này chỉ là các nước cờ cũ dùng đi dùng lại.
Tất cả các nước cờ trên dù lặp đi lặp lại nhưng đều phục vụ cho hai mục đích chính. Thứ nhất là “biến không thành có” để hiện thực hóa các yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên biển Đông.
Học giả Taylor Fravel thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ trong một bài viết gần đây đã nhận định rằng “Khác với các lô dầu khí mà CNOOC đã mời thầu năm 2010 và 2011, các lô mới này không nằm hoàn toàn trong các vùng biển đang tranh chấp tại biển Đông” và “các công ty nước ngoài có thể sẽ không hợp tác với CNOOC”.
Rõ ràng, đây là một nước cờ mà Trung Quốc liên tục đẩy mạnh từ khi công bố “đường lưỡi bò” năm 2009 đến nay. Mục đích là để thâu tóm tất cả các khu vực trong “đường lưỡi bò” vốn không hề tranh chấp trở thành vùng tranh chấp. Sau đó sẽ đòi hỏi trên bàn đàm phán.
Từ xưa nay, hầu hết các cuộc đàm phán chủ quyền đều giống như các cuộc “trả giá” mà không bên nào có thể lấy hết các lợi ích và cũng không bên nào chịu tất cả thiệt hại, chỉ là “cò cưa thêm một bớt hai”. Nhưng cũng không thể “ăn không nói có”, thích chỉ đâu thì chỉ. Cho nên, Trung Quốc mới phải đưa ra các tuyên bố phi lý và ngang ngược nhằm vơ vào càng nhiều vùng tranh chấp càng tốt để ít ra mười vùng tranh chấp cũng được hai, ba vùng. Còn với những vùng không giành được thì cũng có thể yêu cầu “gác tranh chấp, cùng khai thác” như chủ trương nhất quán của Trung Quốc gần 30 năm nay.
Thứ hai, đây là phép thử mà Trung Quốc nhắm tới các nước khác vì hiệu quả của các biện pháp này phụ thuộc rất lớn vào phản ứng của cộng đồng quốc tế. Nếu các nước có tranh chấp phản ứng thì Trung Quốc đơn giản là bỏ ngoài tai. Các nước trong khu vực đồng loạt phản ứng thì Trung Quốc sẽ tổ chức hội đàm song phương và đa phương để xoa dịu. Còn nếu cộng đồng quốc tế và các nước lớn cùng phản đối thì Trung Quốc sẽ tạm dừng lại, “chờ thời” rồi tiếp tục âm thầm thực hiện.
Nhưng phép thử này không hoàn toàn chỉ là “chờ đợi” phản ứng của cộng đồng quốc tế mà nếu các nước trong khu vực manh động, để xảy ra xung đột do bị khiêu khích thì Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội để lấy cớ gây tranh chấp và xâm chiếm. Lúc đó các nước khác muốn giành lại cũng khó vì “sự đã rồi”, đúng như nguyện vọng của Trung Quốc.
Giàn khoan mỏ dầu Bạch Hổ của Việt Nam. Ảnh: PVN.
Tựu chung các phép thử này tiệm cận một biến số: nếu chỉ mỗi Việt Nam hay Philippines phản đối, Trung Quốc sẽ bỏ ngoài tai. Nếu các nước ASEAN đứng về phía Việt Nam và Philippines thì Trung Quốc sẽ đưa ra các biện pháp xoa dịu bằng các cuộc hội đàm đa phương, hay song phương với từng quốc gia và thể hiện thái độ hợp tác. Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là phản ứng của Mỹ và đồng minh.
Nếu Mỹ thể hiện thái độ sẵn sàng can thiệp và đứng về phía ASEAN cũng như Việt Nam hay Philippines để yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế thì hầu như Trung Quốc sẽ phải dừng lại. Nếu không vấp phải bất kì sự phản kháng trong khu vực hay phản đối từ các nước lớn và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc sẽ có thể tiếp tục sử dụng chiến thuật này với các nước khác ở khu vực tranh chấp.
Giải quyết khó khăn quốc nội bằng chiêu bài thống nhất dân tộc, phản ứng lại với việc Mỹ tái cân bằng lực lượng, Việt Nam thông qua Luật Biển hay Philippines dựa vào thế lực bên ngoài để “thách thức” Bắc Kinh, các quan điểm về động thái mới của Trung Quốc tại biển Đông đang phân ra thành nhiều nhánh. Điều này cũng tương tự như nhiều luồng ý kiến trái chiều trong lòng nội bộ nước này khi có nhóm đòi “không thể mãi giấu mình chờ thời tự làm tê liệt mình” hay “phải dạy cho Việt Nam và Philippines một bài học để phá vỡ thế bế tắc ở Nam Hải (Biển Đông)”.
Ngược lại có quan điểm của các học giả Trung Quốc đòi hỏi cần đặt lại vấn đề pháp lý “đường lưỡi bò” xem nó là thế mạnh hay chỉ làm Trung Quốc suy yếu hơn, cũng như cách hành xử của nước này tại biển Đông, có thể giúp giành thêm lợi ích hay chỉ càng khiến cho cộng đồng quốc tế phản đối và cô lập Trung Quốc?
Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bảo vệ lợi ích quốc gia là chính đáng, nhưng giành lấy chủ quyền hay cướp đi lợi ích của nước khác bằng phương pháp “bá quyền” thì không có lý do nào chấp nhận được.
Lịch sử Trung Quốc từng thấm nhuần bài học giữa “vương” và “bá”. Tấm gương của Mỹ tại Iraq trong tư thế ồ ạt về “cơ bắp” vẫn không thể quy thuận lòng người về một mối. Cơ chế sức mạnh luôn tồn tại hai mặt âm và dương, thiện và ác, tích cực, nhưng cũng lắm hiệu ứng xấu không thể kiểm soát.
Có được đồng thuận từ cộng đồng – cả bên trong, lẫn bên ngoài- sẽ làm cầu nối cho sức mạnh thăng hoa. Ngược lại, đề cao sức mạnh cơ bắp bằng các chiêu bài nghịch với “lòng người” chỉ dẫn đến phản ứng ngược, chuốc lấy thất bại không tránh khỏi. Nhất là khi quá trình phát triển, hiện đại hóa của Trung Quốc đang ở khúc quanh.
Một biện pháp dung hòa để cân bằng nhiều lợi ích đang di chuyển song song một lúc đang cần được Bắc Kinh tính toán lại trước khi các nhóm diều hâu-hiếu chiến đẩy bàn cờ đi xa tầm kiểm soát.
Theo Vũ Thành Công-Nguyễn Thế Phương
(Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/79323/ba-quyen-bien-dong–…)